Cách đây chưa lâu, đẳng sâm từng mọc đầy rẫy khắp những cánh rừng hoang dại ở bản Nậm Nghiệp (xã Ngọc Chiến, tỉnh Sơn La). Loài cây dược liệu quý, thường được ví là "nhân sâm của người nghèo", bỗng chốc trở thành hàng hóa béo bở khi thương lái Trung Quốc tìm đến. Giá cao khiến cả bản đổ xô vào rừng đào sâm – từ rễ nhỏ đến rễ to, từ bụi già đến mầm non, không chừa lại một cọng. Người ta còn bảo nhau: “Rừng như chưa từng có sâm”.

Nhưng rồi, khi sâm không còn – giá cũng tụt dốc. Cung vượt quá cầu, bị ép giá, người dân đành ngừng hái. Nguồn thu biến mất, rừng nghèo đi, và bà con bắt đầu nhận ra: không thể sống lâu dài chỉ bằng việc khai thác tự nhiên.
Đầu năm 2025, Hợp tác xã Nậm Nghẹp ra đời, mang theo khát vọng đổi thay cách làm nông nghiệp. Không còn là những chuyến “hái lộc” chớp nhoáng, HTX chọn hướng đi bền vững: huy động xã viên trở lại rừng, không phải để đào, mà để tìm giống. Từng gốc sâm còn sót lại được gìn giữ, nhân giống trong điều kiện phù hợp, sau đó giao cho các hộ xã viên trồng tại ruộng, đất đồi sạch – nơi khí hậu mát lạnh quanh năm.

Tính đến nay, HTX đã huy động các xã viên gieo trồng hơn 1 vạn cây giống đẳng sâm. Mỗi bầu cây là một niềm hy vọng, một cam kết cho sự phục hồi của rừng và sinh kế mới cho bà con. Dự kiến, từ tháng 10 năm nay, HTX sẽ triển khai trồng đại trà trên toàn bộ những diện tích đất nông nghiệp phù hợp – ưu tiên khu vực gần suối, chân đồi thoáng mát, nơi sâm có thể phát triển tự nhiên mà không cần hóa chất.
Điểm đặc biệt của mô hình là: sâm không để bán đổ bán tháo nữa. “Chúng tôi xác định từ đầu: sâm Nậm Nghiệp sẽ phục vụ du khách – ăn tại chỗ, cảm nhận tại chỗ,” ông Thào A Vạng – Giám đốc HTX chia sẻ. Những món ăn như gà hầm sâm, dê hầm sâm, lẩu sâm đang dần trở thành đặc sản của bản làng, hấp dẫn khách thành thị nhờ sự kết hợp giữa hương vị núi rừng và trải nghiệm sinh thái.
Sự kết hợp giữa nông nghiệp bản địa – ẩm thực vùng cao – du lịch trải nghiệm đã tạo ra một mô hình phát triển đầy hứa hẹn. “Khách được nhìn cây sâm, nghe kể chuyện sâm, ăn sâm nóng hổi ngay trong gió lạnh của bản – cảm giác như sướng hơn vua chúa ngày xưa,” một du khách từ Hà Nội chia sẻ sau chuyến đi.
Hành trình phục hồi đẳng sâm ở Nậm Nghiệp không chỉ là chuyện của một loài cây, mà là câu chuyện chuyển mình của cả một bản làng. Khi người dân không chỉ biết "lấy của rừng", mà biết "gieo lại cho rừng", thì chính họ đang gieo mầm cho tương lai.