Nơi đây cách trung tâm huyện Mường La 34km, có 15 bản, 2.176 hộ dân, với ba dân tộc Thái, H’Mông, La Ha cùng sinh sống. Vùng đất này có nhiều tiềm năng du lịch, khí hậu trong lành, thiên nhiên hùng vĩ, các mỏ suối khoáng nóng, văn hóa dân tộc còn nguyên sơ và con người thân thiện.
Ngọc Chiến được ví như Đà Lạt của Tây Nguyên, Sa Pa của Tây Bắc, bởi khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, khiến cỏ cây tươi tốt, tràn đầy nhựa sống. Đến với Ngọc Chiến, du khách được ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang, những ngôi nhà sàn làm từ gỗ pơ mu theo lối kiến trúc truyền thống của người dân tộc Thái, được ngâm mình trong dòng nước suối khoáng nóng giữa không gian núi rừng. Tối đến, trên nếp nhà sàn, du khách có thể thưởng thức những món ăn hấp dẫn như măng lay, cá nướng, xôi nếp tan thơm dẻo, cùng ngây ngất trong men rượu sơn tra thơm ngọt và thả hồn theo giọng hát ngọt ngào của những sơn nữ…
Có thể nói, Ngọc Chiến hiện nay như là một "cứ điểm" còn sót lại của hương rừng Tây Bắc. Từ hướng Mù Cang Chải đi vào qua cầu Làng Sang chúng ta sẽ bước vào một khu vực rừng tự nhiên với chất lượng không khí hoàn toàn khác biệt. Còn nếu đi từ hướng Thành phố Sơn La vào, chỉ cần bước đến đỉnh đèo Sam Síp thôi, coi như du khách đã bước sang một "thế giới" khác.
Theo quyết định giao nhiệm vụ quy hoạch của tỉnh Sơn La, đến năm 2045, xã Ngọc Chiến sẽ có hình hài của một đô thị du lịch cấp V. Trong đó, khu vực trung tâm sẽ bao gồm các bản: Đông Xuông, bản Phày, bản Lướt gắn phát triển kinh tế du lịch sinh thái nghỉ dưỡng khoáng nóng.
Các khu vực có rừng, núi sẽ được định hướng phát triển du lịch khám phá trải nghiệm.
Với đặc trưng các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn, Ngọc Chiến sẽ sớm phát triển thành một đô thị du lịch độc đáo, giàu bản sắc.
Chùm ảnh các điểm check in ở Ngọc Chiến: