Thật đúng như vậy, nhắc đến bản Nậm Nghiệp là nhắc đến mảnh đất đặc biệt ở độ cao 2000 mét so với mực nước biển. Xét ở cả Việt Nam, có lẽ chỉ có bản Nậm Nghiệp mới là bản nằm ở độ cao cao nhất mà có người ở.
Ngự ở độ cao 2 ngàn mét, lại nằm trong một khu vực tiểu khí hậu độc đáo với các đỉnh núi cao của dãy Hoàng Liên Sơn che chắn, cho nên mùa Đông dù lạnh nhưng không bao giờ có băng giá; đặc biệt hơn nữa lượng nắng và gió ở bản rất phong phú, rất phù hợp để phát triển năng lượng tái tạo quy mô nhỏ phục vụ gia đình.
Đã có những chuyên gia về dược liệu quý, chuyên gia về cây washabi đến tìm hiểu về nguồn nước, hệ thực vật ở đây, với những hứa hẹn lớn về việc đầu tư vùng dược liệu...
Khí hậu như thế, cho nên cây táo mèo (Sơn Tra) ở đây cũng có những đặc tính khác biệt hơn hầu hết mọi vùng. Hoa sơn tra khi bung nở có 5 cánh với nhụy vàng, gần giống với hoa mận, nhưng hoa vẫn có nét đẹp riêng với màu trắng ngà, nở thành chùm to, ôm trọn cành cây rêu mốc. Vẻ đẹp của hoa sơn tra được ví như thiếu nữ Mông miền sơn cước, tự nhiên, bình dị, tràn đầy sức sống.
Khác với các vùng hoa Sơn Tra khác, cây Sơn Tra ở đây khi đến mùa hoa thì toàn bộ lá đều rụng, chỉ còn sắc trắng của hoa bạt ngàn trên những cánh rừng trải dài tít tắp. Do ở độ cao lớn, cho nên cây muốn trổ hoa, đậu quả thì nhất định phải trút hết lá. Chính điều đó làm cho sắc hoa Sơn Tra ở đây trở nên ám ảnh hơn bất kỳ nơi nào khác.
Đó là bản sắc tự nhiên của hoa Sơn Tra Nậm Nghiệp. Bản sắc thứ hai chính là con người Nậm Nghiệp. Một trăm phần trăm bà con ở đây là người Mông đen, sống quần tụ với nhau từ mấy trăm năm nay. Có đến và ở lại với bà con mới thấy được cái nét đẹp trong đời sống thường nhật của họ. Vì là bản cao, trước đây hầu như tách biệt so với các vùng khác, đời sống kinh tế tự cấp tự túc, cho nên hầu như bà con không có khái niệm về kinh tế - thị trường.
Đời sống vùng cao của bà con tự nhiên, nhẹ nhàng như vậy, làm cho người ta liên tưởng đến tâm hồn của người Mông ở đây cũng trong sáng như sắc hoa Sơn Tra vậy.
Điểm độc đáo trong kiến trúc truyền thống ở đây là tất cả nhà của bà con đều là nhà gỗ, lợp mái ngói pơ mu. Nhà nào có điều kiện thì đi rừng tích lũy gỗ pơ mu, tích cỡ năm mười năm thì làm được một cái nhà to. Những năm gần đây, nhà nước cấm khai thác rừng, nên bà con dùng nhiều loại gỗ khác để làm nhà. Gỗ pơ mu có đặc điểm là vừa nhẹ, vừa bền, vừa thơm, làm nhà rất phù hợp. Cây gỗ pơ mu có thể chịu được cả nước, cho nên bà con bổ ra để làm mái nhà, để hàng trăm năm vẫn bền.
Ngoài ra, ở bản Mông Nậm Nghiệp, bà con vẫn còn giữ được trang phục truyền thống, giữ được nghề dệt, nghề rèn; dịp lễ dịp hội người người nô nức mặc trang phục Mông đi múa khèn, đi hái táo, đi thi đấu chọi dê.v.v...nhìn rất sinh động.
Mấy năm gần đây, bản bắt đầu phát triển du lịch cộng đồng, bà con đang hướng dẫn cho các con, các cháu hát múa những bài hát cổ truyền; khôi phục lại các bài khèn truyền thống; luyện tập thổi kèn môi, kèn lá, sáo Mông. Hy vọng rằng trong thời gian tới, du khách sẽ sớm được nghe nhiều tác phẩm nghệ thuật dân gian đặc sắc của bà con Nậm Nghiệp.