Bản Nậm Nghiệp có diện tích khoảng 10 ha, thế nhưng bản đang được giao quản lý hàng ngàn ha rừng phòng hộ, rừng sản xuất.
Với điều kiện khí hậu ôn đới, nhiệt độ lạnh nhất trong năm khoảng 4 độ, nhiệt độ nóng nhất khoảng 27 độ. Đây là điều kiện lý tưởng để tổ chức các sự kiện ngoài trời như cắm trại, leo núi, đi bộ, thiền rừng.
Nậm Nghiệp được bà mẹ thiên nhiên ban tặng hai trái phổi xanh là Khu bảo tồn rừng quốc gia Hoàng Liên và Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La. Vì vậy, nếu nói rằng bản Nậm Nghiệp là một Châu Âu thu nhỏ thì cũng không sai.
Mùa hoa táo Sơn Tra của Nậm Nghiệp thu hút hàng chục ngàn người từ khắp nơi đổ về để ngắm hoa, leo núi, đi bộ, hành thiền rừng. Năm 2019 bản đón hơn 5 ngàn người vãn cảnh, ngắm hoa. Năm 2020, 2021 dịch bệnh Covid nên chỉ vài trăm người lên được. Bước sang năm 2022, chỉ riêng mùa lễ hội ngắm hoa tổ chức ở cấp xã đã thu hút 13 ngàn người tham dự.
Mùa lễ hội ngắm hoa thường kéo dài suốt cả tháng Ba. Lễ hội ngắm hoa Sơn Tra Nậm Nghiệp không khác gì Lễ hội ngắm hoa Anh Đào của Nhật Bản, thậm chí xét về mặt thiên nhiên hoang sơ, thì Nậm Nghiệp còn hơn vài phần.
Tháng Chín hằng năm là mùa thu hoạch quả táo mèo Sơn Tra. Đây cũng là dịp để tín đồ du lịch kết hợp cung du lịch ngắm lúa vàng Mù Cang Chải và hái táo mèo Nậm Nghiệp.
Mùa trồng lúa ở Nậm Nghiệp bắt đầu từ tháng 5 hoặc tháng 6 tùy thuộc vào mùa mưa sớm hay muộn. Khoảng tháng 9 tháng 10, cây lúa bắt đầu chín, và cũng là dịp để du khách trải nghiệm mùa gặt cùng bà con.
Quảng cáo
Nương trồng lúa nằm ở cách xa bản khoảng 3 cây số về hướng Tây. Toàn bộ nương lúa của bà con nằm cheo leo ở sườn đồi, nơi có dòng suối Huổi Ngùa bắt nguồn từ các cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn.
Cũng giống như ở các bản Mông khác, ruộng của bà con nơi đây là ruộng bậc thang, tận dụng nước mưa để cấy hái. Năm nào mưa thuận gió hoà thì được mùa, năm nào thời tiết khắc nghiệt, thì bà con lại vác nồi đi vay nhau từng đấu gạo.
Nếu đầu tư đường xá tốt hơn, thì có thể khai thác du lịch ngắm ruộng bậc thang, kết hợp với lễ hội thu hoạch táo Sơn Tra.
Ngoài những lợi thế kể trên, có lẽ điểm đặc biệt nhất ở Nậm Nghiệp chính là rừng và núi Tà Chì Nhù.
Bao quanh bản Nậm Nghiệp là những ngọn núi từ thấp tới cao, gần nhất, phía sau lưng bản là đỉnh Tà Rông cao 2.650 mét. Trước mặt là đỉnh Háng Coa Đề cao hơn 2.400 mét. Xa nhất là đỉnh Tà Chì Nhù cao 2.979 mét. Đây đều là những địa danh xứng đáng để bạn khám phá trong các chuyến đi của mình.
Đỉnh Tà Chì Nhù, về địa giới hành chính thì thuộc xã Xà Hồ, Trạm Tấu, Yên Bái. Nhưng nếu muốn leo cung đường đẹp thì lại phải đi qua bản Nậm Nghiệp. Đây là ngọn núi quanh năm mây phủ, là một trong 10 ngọn núi nhất định phải chinh phục ở Việt Nam. Xét trong 10 ngọn núi cao nhất nước Việt Nam ta, thì ngọn Tà Chì Nhù có nét đẹp thơ mộng hơn cả. Lên đỉnh núi, bạn như lạc nơi tiên cảnh với mây phủ tứ bề. Đi đúng dịp thì bạn còn có cơ hội ngắm hoa Chipau, hoa đỗ quyên, hoa táo Sơn Tra...
Xung quanh bản, còn có những cánh rừng bạt ngàn chứa đựng nhiều bí mật của đại ngàn. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh rất thích đưa bạn bè của mình đến bìa rừng, ngay ven suối để nghỉ ngơi và thiền rừng. Những cánh rừng ở đây đang được bảo tồn rất nghiêm ngặt. Nếu kết hợp được với cung đường tuần tra đường rừng của Kiêm lâm, thì địa phương hoàn toàn có thể khai thác và phát huy giá trị của rừng phục vụ đời sống du lịch độc đáo.
Tổng hợp