Bản Nậm Nghiệp (Nghẹp) có 135 hộ với 735 nhân khẩu. Diện tích của bản khoảng 10 ha, nằm ở độ cao 2000 mét so với mặt nước biển.
Khí hậu ôn đới, nhiệt độ lạnh nhất trong năm khoảng 4 độ, nhiệt độ nóng nhất khoảng 27 độ. Độ ẩm thấp. Mùa mưa kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8. Mưa nhiều nhất là tháng 7 và tháng 8.
Số giờ nắng thuộc vào loại cao, rất phù hợp phát triển năng lượng mặt trời. Năng lượng gió cũng có tiềm năng rất lớn ở khu vực này.
Bản Nậm Nghiệp có khu vực tiểu khí hậu ôn đới đặc biệt nhất ở Việt Nam. Bản nằm kẹp giữa các đỉnh núi cao thuộc mạn phía Tây của dãy Hoàng Liên Sơn. Phía Đông có núi Phú Lương, với đỉnh cao nhất là Tà Chì Nhù 2.979m che chắn hơi ẩm. Cho nên ở đây độ ẩm khá thấp so với Sa Pa. Không bao giờ thấy hiện tượng nồm, ẩm.
Phía Tây có các dãy núi cao và khu bảo tồn thiên nhiên Mường La che chắn, cho nên gió Lào Tây Nam không bao giờ xâm nhập được vào khu vực này.
Nậm Nghiệp được bà mẹ thiên nhiên ban tặng hai trái phổi xanh là Khu bảo tồn rừng quốc gia Hoàng Liên và Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La. Vì vậy, nếu nói rằng bản Nậm Nghiệp là một Châu Âu thu nhỏ thì cũng không sai.
Quảng cáo
Tháng Chín hằng năm là mùa thu hoạch quả táo mèo Sơn Tra. Đời sống kinh tế của bản phụ thuộc hoàn toàn vào mùa thu hoạch táo. Thế nhưng, quy luật được mùa mất giá đang ám ảnh người dân. Vụ táo 2022 được mùa, thì giá rớt thảm hại.
Mùa trồng lúa ở Nậm Nghiệp bắt đầu từ tháng 5 hoặc tháng 6 tùy thuộc vào mùa mưa sớm hay muộn. Giống lúa ở đây cũng hoàn toàn khác với các nơi khác, chỉ có loại giống thuần chủng của người Mông Nậm Nghiệp mới có thể sống nổi trên vùng đất đặc biệt này. Giống lúa này là lúa tẻ nhưng hạt to mẩy như lúa nếp. Nấu cơm lên hạt to như hạt đậu. Mấy bà mấy cô người Kinh lên ăn cơm hạt to này ban đầu nhai không nổi. Sau mấy ngày thì lại thành ra nghiện luôn.
Nương trồng lúa nằm ở cách xa bản khoảng 3 cây số về hướng Tây. Toàn bộ nương lúa của bà con nằm cheo leo ở sườn đồi, nơi có dòng suối Huổi Ngùa bắt nguồn từ các cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn.
Cũng giống như ở các bản Mông khác, ruộng của bà con nơi đây là ruộng bậc thang, tận dụng nước mưa để cấy hái. Năm nào mưa thuận gió hoà thì được mùa, năm nào thời tiết khắc nghiệt, thì bà con lại vác nồi đi vay nhau từng đấu gạo.
Nếu đầu tư đường xá tốt hơn, thì có thể khai thác du lịch ngắm ruộng bậc thang, kết hợp với lễ hội thu hoạch táo Sơn Tra.
Ngoài những lợi thế kể trên, có lẽ điểm đặc biệt nhất ở Nậm Nghiệp chính là rừng và núi Tà Chì Nhù.
Bao quanh bản Nậm Nghiệp là những ngọn núi từ thấp tới cao, gần nhất, phía sau lưng bản là đỉnh Tà Rông cao 2.650 mét. Trước mặt là đỉnh Háng Coa Đề cao hơn 2.400 mét. Xa nhất là đỉnh Tà Chì Nhù cao 2.979 mét.
Đỉnh Tà Chì Nhù, về địa giới hành chính thì thuộc xã Xà Hồ, Trạm Tấu, Yên Bái. Nhưng nếu muốn leo cung đường đẹp thì lại phải đi qua bản Nậm Nghiệp. Đây là ngọn núi quanh năm mây phủ, là một trong 10 ngọn núi nhất định phải chinh phục ở Việt Nam. Xét trong 10 ngọn núi cao nhất nước Việt Nam ta, thì ngọn Tà Chì Nhù có nét đẹp thơ mộng hơn cả. Lên đỉnh núi, bạn như lạc nơi tiên cảnh với mây phủ tứ bề. Đi đúng dịp thì bạn còn có cơ hội ngắm hoa Chipau, hoa đỗ quyên, hoa táo Sơn Tra...
Tổng hợp