Xã Ngọc Chiên có 15 bản, trong đó có 7 bản người Thái, 7 bản người Mông và 1 bản người La Ha. Cả ba dân tộc anh em này đều có những nét đặc sắc riêng trong việc chế biến đồ ăn, đồ uống. Trước hết nói về đồ uống !
Bạn từng uống rượu cần bao giờ chưa ? Nếu chưa thì bỏ qua, nếu từng uống rồi, thì hãy nhớ, những kinh nghiệm đó của bạn coi như thuộc về dĩ vãng. Bời vì, rượu cần của người La Ha đã ra bát thì phải thuộc vào dạng đỉnh của đỉnh. Cả những người Thái cao tuổi nhất ở bản Lướt, bản Phày cung phải đồng ý rượu cần của người La Ha là số 1.
Người La Ha giữ gìn bí mật công thức của họ giống như một bí mật quốc gia. Bạn có thể được mời uống rượu, chứ không bao giờ được biết làm thế nào để ra được chum rượu như thế.
Theo lời người già, vốn trước kia, vùng đất Mường Chiến có người La Ha đến trước, là chủ nhân của những cánh đồng, những con suối, cánh rừng bạt ngàn. Thế rồi sau đó những tổ tiên của người Thái đã đến và hai tộc người chiến đấu nhiều năm ròng để thành chủ nhân của vùng đất màu mỡ này. Cuối cùng người Thái với vũ khí, đội quân đông đã chiến thắng. Người Thái đã để cho những người La Ha một vùng đất riêng mà không đuổi cùng giết tận.
Kể từ đó, hàng năm đến ngày lễ tết, người La Ha đều mang rượu, gạo, con gà đến nạp cho người Thái. Những người Thái uống rượu của người La Ha và rất kinh ngạc về mức độ thơm ngon của nó, nhưng họ không thể nào học được công thức nấu loại rượu này.
Ad sẽ kể thêm về loại đồ uống đặc biệt của người La Hà này sau khi có thể trải nghiệm mới, còn bây giờ là lúc kể về loại rượu của người Mông ở Ngọc Chiến.
Bảy bản người Mông ở Ngọc Chiến về cơ bản bây giờ đều nấu hai loại rượu là rượu ngô và rượu gạo. Nhưng phần lớn là rượu gạo, vì ngô dành để nuôi gia súc, gia cầm. Thường thì nhà nào nhà nấy tự nấu tự ủ để làm đồ uống dành khi nhà có việc. Chưa có nhà nào phát triển thành cơ sở sản xuất rượu chuyên nghiệp cả. Thế cho nên sản lượng rượu sản xuất ra không đáng kể. Vài năm trở lại đây, du khách đến nhiều, đặc biệt đông ở bản Mông Nậm Nghiệp, thành ra rượu làm ra hầu như không đáp ứng được nhu cầu của hàng ngàn du khách.
Chính vì lẽ đó mà có du khách nói rằng, rượu táo mèo của người Mông ở đây không ngon bằng rượu dưới xuôi. Điều này phải thừa nhận là rất chính xác. Bạn đồng du cứ thử tưởng tượng, một mùa hoa Sơn Tra, có khoảng chục ngàn người lên bản, trong đó có 1 ngàn người uống rượu, mỗi người 0,3 lit, vậy là hết 300 lít rồi. Hết một mùa hoa thì tiêu thụ cỡ 3 ngàn lít rượu, vậy lấy rượu ở đâu ra phục vụ cho kịp. Rượu ngâm táo thì lại càng hiếm, vì bà con chỉ làm đủ dùng thôi. Nhiều du khách đến đòi uống rượu táo, thì chỉ được uống bã táo nhạt hều.
Nghe nói từ cuối năm 2023 có nhà đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã chuẩn bị ngâm ủ đâu đó vài ngàn lít rượu táo. Nếu đúng, chắc sắp tới những người sành rượu có thể thưởng thức được rồi.
Nói như vậy để thấy là tiềm năng trong lĩnh vực chế biến rượu táo ở đây là rất lớn. Với nguồn táo số 1 Việt Nam như ở đây, thì tuyển ra được những mẻ rượu quý ngâm ủ lâu năm, sẽ là cơ hội kinh doanh rất tốt.