Khi nhà báo nổi tiếng bỏ phố lên rừng

Làng báo, không ai lạ gì Nguyễn Cao Cường - một nhà báo, nhà nghiên cứu về truyền thông đa năng. Nhưng giờ đây, anh tạm rời xa thủ đô, thành “người nhà” của bà con ở bản Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La.
Nguyễn Cường trong một chuyến khảo sát cung đi bộ trên núi
Nguyễn Cường trong một chuyến khảo sát cung đi bộ trên núi

Khởi nghiệp trên núi

Thạc sĩ Nguyễn Cao Cường là cái tên không còn xa lạ trong giới báo chí, truyền thông Việt Nam. Anh được biết đến với vai trò giám đốc sản xuất kênh truyền hình đối ngoại VTC10; Phó giám đốc Trung tâm hợp tác và sản xuất chương trình VTVcab, sau đó là Giám đốc Công ty TNHH CSM Global. Với vai trò là chuyên gia truyền thông, Cường đi sâu nghiên cứu và triển khai các hoạt động tư vấn, đào tạo chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí truyền thông, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia. Anh cũng là người đi đầu trong việc hỗ trợ các cơ quan báo chí xây dựng hệ thống quản trị số, khai thác và tối ưu mọi hoạt động của toà soạn trên đa nền tảng thông qua một công cụ quản trị theo mô hình hội tụ. Bởi thế, anh còn được nhắc đến với danh xưng “nhà giáo báo chí”.

Nguyễn Cường trong một chưong trình đào tạo của Hội nhà báo Việt Nam
Nguyễn Cường trong một chưong trình đào tạo của Hội nhà báo Việt Nam

 

Ít ai tin rằng, từ một nhà báo thành công ở nhiều mảng, kinh qua nhiều cơ quan báo chí lại có một ngày chuyển qua kinh doanh homestay, rồi chọn bản làng trên núi cao để gắn bó và khởi nghiệp du lịch cộng đồng. Hỏi về mối duyên này, anh Nguyễn Cao Cường chia sẻ rằng, cách đây hơn chục năm, khi đang hoạt động trong lĩnh vực báo chí truyền thông, anh đã có sở thích được rong ruổi trên các vùng núi cao để thăm thú, được tận mắt chứng kiến cuộc sống và nếp sinh hoạt của bà con các dân tộc. Càng đi nhiều, anh càng nhận ra vẻ đẹp tiềm ẩn của những vùng đất đó. Anh mong muốn vẻ đẹp đó phải được nhiều người biết đến, tìm đến. Và chính những tiềm năng du lịch ấy sẽ tạo sinh kế lâu dài cho bà con.

Quãng những năm 2012 – 2013, anh Cường đặt chân tới Lũng Cú (Hà Giang). Thông thường, du khách đến đây sẽ chỉ lên thăm cột cờ Lũng Cú. Nhưng anh Cường luôn muốn tìm hiểu cuộc sống của bà con ở những nơi anh đi qua. Bởi thế mà anh đã đến Lô Lô Chải – một bản làng rất đẹp cách cột cờ Lũng Cú tầm 1km là nơi quần cư của bà con dân tộc Lô Lô. “Khi đó, cuộc sống của bà con nơi đây rất nghèo nàn. Nếu muốn cải thiện đời sống cho bà con thì phải biết quảng bá, phải xây dựng cơ sở vật chất để đón khách du lịch tới thăm. Muốn thế, phải có người hướng

Nguyễn Cường trong những ngày đầu hướng dẫn bà con Lô Lô làm du lịch
Nguyễn Cường trong những ngày đầu hướng dẫn bà con Lô Lô làm du lịch

dẫn, chỉ cách cho bà con xây dựng bản làng du lịch. Vậy là tôi quyết định dừng mảng công việc truyền thông để thử sức ở một lĩnh vực hoàn toàn mới. Nhiều người bảo đó là một quyết định “điên rồi” bởi vị trí của tôi ở mảng truyền thông là mơ ước của nhiều người. Nhưng tôi vẫn quyết tâm, bởi tôi nhìn ra những vẻ đẹp, tiềm năng ở Lô Lô Chải”, anh Cường chia sẻ.

Khi mà phần lớn người dân ở bản chưa hiểu xây dựng dịch vụ du lịch homestay là gì, anh Cường vẫn kiên trì hướng dẫn, hỗ trợ bà con Lô Lô làm du lịch cộng đồng. Nhờ vào sự dẫn dắn của anh, bà con giờ đã có thể tự làm du lịch. Bản Lô lô Chải đã trở thành điểm đến hấp dẫn với vài chục nhà làm homestay, thậm chí có những doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư. Thành công ở Lô Lô Chải, Nguyễn Cao Cường muốn thử sức ở một vùng đất khác. Rồi tình cờ anh tìm thấy bản Nậm Nghiệp hoang sơ trong một lần lang thang lên Tây Bắc, dự định chinh phục ngọn núi Tà Chì Nhù 2.979m trong biển mây hùng vĩ. Về địa giới hành chính thì đỉnh núi cao thứ sáu ở Việt Nam này thuộc xã Xà Hồ, Trạm Tấu, Yên Bái, nhưng muốn leo cung đường đẹp thì lại phải đi qua bản Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La. Vậy là trên đường leo Tà Chì Nhù, anh lạc vào rừng sơn tra hoa trắng muốt, rồi đâm mê mẩn bản Mông này.

Bản Nậm Nghiệp mùa hoa Sơn Tra
Bản Nậm Nghiệp mùa hoa Sơn Tra.
Ảnh: Nguyễn Chí Nam

 

Ở độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển, đây có lẽ là bản làng cao nhất trên dải đất hình chữ S, đường đi vô cùng khó khăn, kể cả xe máy hay ôtô hai cầu. Thời điểm anh đến, có rất ít người dưới xuôi đặt chân đến được bản làng này. Cả bản có khoảng 175 nóc nhà, đời sống bà con còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên anh Cường lại nhìn ra tiềm năng du lịch ở đây, chính là những khu rừng táo mèo trùng trùng điệp điệp. Cả tỉnh Sơn La có vài ngàn ha táo mèo thì riêng bản Nậm Nghiệp đã có cỡ hơn ngàn ha. Mục tiêu của anh Cường là sẽ cùng bà con cung cấp những dịch vụ, đầu tiên là cho những người đi leo núi, sau đó là cung cấp dịch vụ cho những người thích trải nghiệm cắm trại ở rừng táo mèo.

Quảng cáo

Khao khát xây dựng vùng homestay

Nếu ai đã từng đến Nậm Nghiệp và trở lại đây dịp này, đều phải thốt lên rằng bản ngày càng đẹp và được quy hoạch tốt hơn. Anh Cường giờ được coi là chuyên gia về Nậm Nghiệp, có hiểu biết cặn kẽ về vùng đất này, từ vị trí địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng đến con người nơi đây. Bởi có hiểu biết về vùng tiểu khí hậu độc đáo này thì mới có thể khơi dậy tiềm năng du lịch cộng đồng cho Nậm Nghiệp.

Quán cafe trên bản, nơi Cường đón bạn bè
Quán cafe trên bản Nậm Nghiệp, nơi Cường đón bạn bè và giới thiệu về bản

Anh dựng quán cà phê đón khách ghé thăm bản. Anh họp bà con Nậm Nghiệp lại, nói chuyện về làm du lịch, về những nét riêng có của bản có thể thu hút khách phương xa. Muốn thế, trước hết anh Cường vận động, thuyết phục bạn bè đóng góp kinh phí hỗ trợ người dân làm đường trong bản, sửa cầu treo qua suối. Sau đó hướng dẫn các gia đình tham gia san lấp mặt bằng để làm các chỗ nghỉ chân, khu cắm trại và cung cấp các dịch vụ cơ bản để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Nguyễn Cao Cường đã vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm nghiệp vụ báo chí truyền thông để “chiếu sáng’ Nậm Nghiệp. Từ một vùng đất ít người biết đến, giờ đây, nhắc đến Nậm Nghiệp là người ta nhớ đến mùa hoa táo mèo tháng ba, mùa quả tháng 9 hàng năm.. Họ đổ về bản ngắm hoa, hái quả, leo núi, đi bộ, hành thiền. Người ta nhớ vị chua nhẹ lẫn ngọt thanh, không đắng chát của quả táo mèo má hồng, có thể ăn trực tiếp, hoặc phơi khô làm vị thuốc, ngâm rượu, ngâm dấm…

Trại sáng tác Mỹ thuật Nậm Nghiệp lần thứ nhất năm 2024
Hoạ sỹ sáng tác tại Trại sáng tác Mỹ thuật Nậm Nghiệp lần thứ nhất năm 2024

Năm ngoái, một nhóm hoạ sĩ được anh Cường vận động lên bản tham gia dự án cộng đồng vẽ 15 cụm cột đá biểu tượng đặt ở đầu mỗi bản, tạo nên điểm nhấn cho diện mạo du lịch của địa phương. Giờ thì bản nào ở Nậm Nghiệp cũng có cột đá bắt mắt được đặt ở vị trí đặc biệt, hấp thu linh khí trời đất, trở thành địa điểm check in của du khách.  Anh khuyến khích đội biểu diễn khèn Mông của bà con Nậm Nghiệp luyện tập đều đặn, lớp trước truyền dạy cho lớp sau. Vừa là để bảo tồn giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc, vừa là điểm nhấn du lịch.

Đúng độ đẹp nhất của rừng hoa sơn tra, trại sáng tác hội họa đầu tiên ở Nậm Nghiệp với chủ đề "Lạc trôi dưới rừng sơn tra" đã mở màn cho chuỗi các hoạt động của Ngày hội hoa sơn tra năm 2024. Ba mươi họa sĩ đến từ các vùng miền của cả nước đã tụ về bản, đắm chìm trong cảm xúc phiêu bồng của núi rừng Tây Bắc, hòa mình với nét văn hóa sinh hoạt thường ngày của người Mông bản địa để có những phút giây sáng tác thăng hoa.

Nguyễn Cao Cường cũng đã lập địa chỉ trên Google map cho tất cả các hộ kinh doanh homestay, các địa điểm tham quan ở Nậm Nghiệp. Trang facebook "Nậm Nghiệp - bản cao nhất Việt Nam" đã và đang thu hút vài ngàn lượt thành viên tham gia. Đầu năm nay, quán cà Nhà The Lover của anh Cường đã chính thức phát hành bộ tài liệu du lịch Nậm Nghiệp, gồm bản đồ du lịch và tờ giới thiệu thông tin về bản. Ngoài bản in còn phát hành bản điện tử trên fanpage để hỗ trợ du khách tìm kiếm các điểm đến ở bản dễ dàng hơn, đồng thời cũng góp phần quảng bá cho điểm du lịch mới mẻ này đến với công chúng nhiều hơn.

Cường tổ chức sự kiện thể thao giao lưu với Thanh niên bản
Cường tổ chức sự kiện thể thao để du khách giao lưu với thanh niên bản

Nguyễn Cao Cường vẫn không ngừng lên ý tưởng biến vùng đất tuyệt đẹp này thành điểm đến nghệ thuật. Anh dự kiến tiếp tục vận động tài trợ để có thể duy trì Trại sáng tác thường niên. Trại hè Nghệ thuật cho học sinh tại Nậm Nghiệp cũng đang lên kế hoạch thực hiện. Đặc biệt, anh đang nhen nhóm về một lễ hội độc đáo ở bản: “Để cảm ơn thần núi, thần rừng đã cho mùa màng tốt tươi, tri ân những người đã giúp đỡ bản làng, tôi sẽ vận động bà con tổ chức Lễ tạ ơn nhân mùa hoa kết thúc. Trong lễ tạ ơn giới thiệu 4 sản vật của địa phương gồm trà táo Sơn Tra, mật ong rừng Nậm Nghiệp, rượu quả táo Sơn Tra, rượu hoa táo Sơn Tra. Tôi cũng động viên bà con chuẩn bị điều kiện để thành lập hợp tác xã du lịch Nậm Nghiệp để dần chuyên nghiệp hoá sản phẩm, dịch vụ. Thống nhất và bạn hành mức giá của các dịch vụ trong bản, tránh tình trạng lộn xộn, chèn ép khách”.

Cùng bà con bản Nậm Nghiệp tổ chức Lễ tạ ơn
Cường cùng bà con bản Nậm Nghiệp tổ chức Lễ tạ ơn năm 2024

Không chỉ ở lĩnh vực báo chí, truyền thông, mà ở mảng du lịch cộng đồng, Nguyễn Cao Cường cũng luôn là người làm việc có tâm và có tầm. Anh đã đưa ra tầm nhìn phát triển 10 năm tới cho Nậm Nghiệp. Với những đặc điểm về địa lý và khí hậu như vậy, Nậm Nghiệp có thể khai thác nhiều loại hình du lịch. Từ khai thác du lịch tìm hiểu văn hoá bản địa, kết hợp nghỉ tại homestay đến du lịch trải nghiệm như đi bộ trong rừng, leo núi, săn mây, cắm trại. Có thể kết hợp với xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, với huyện Mù Cang Chải, Yên Bái với huyện Trạm Tấu, Yên Bái, với huyện Bắc Yên, Sơn La để tạo thành một vòng cung mới của du lịch Tây Bắc, xuất phát từ Nghĩa Lộ, Yên Bái. Đây sẽ là cung du lịch hot nhất ở Tây Bắc nếu được kết nối giao thông với nhau.

Dù có phát triển du lịch đa dạng đến đâu thì anh Cường luôn hướng bà con Nậm Nghiệp tới hướng đi bền vững. Mà điều căn cốt là phải giữ rừng, giữ bản sắc dân tộc mình để nơi đây trở thành điểm đến lâu dài. Không chỉ dừng lại ở Lô Lô Chải, Nậm Nghiệp, anh Cường mang hoài bão nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng, dựng nhiều vùng homestay ở nhiều bản làng vùng cao./.

Tổng hợp
Bản Nậm nghiệp - Sơn la

Có thể bạn quan tâm