Phát hiện rừng hoa đỗ quyên hàng ngàn ha ở Nậm Nghiệp

Toàn bộ đường đi từ đỉnh Tà Dông sang Tà Tao cho đến tận Tà Chì Nhù là vương quốc của loài hoa đỗ quyên.
Du khách leo núi Tà Tao ở bản Nậm Nghiệp
Du khách leo núi Tà Tao ở bản Nậm Nghiệp 

Nậm Nghiệp bốn mặt vây quanh là núi. Sau lưng bản, hướng Đông Bắc có dãy núi Tà Dông che chắn. Dãy núi này thuộc sườn phía tây của dãy Hoàng Liên Sơn. Từ bản Nậm Nghiệp bà con vẫn hàng ngày đi lên các đỉnh của núi Tà Dông để lấy củi, gồm đỉnh Tà Dông, đỉnh Tà Tao, đỉnh Háu Nả Tà, đỉnh Tà Dê Đơ, và xa nhất chính là đỉnh Tà Chì Nhù. Đỉnh Tà Chì Nhù thuộc cương vực của tỉnh Yên Bái, huyện Trạm Tấu, xã Xà Hồ.

Trong tiếng Mông, Tà Dông có nghĩa là bãi rừng. Nghĩa là vùng đất của rừng. Bắt đầu từ núi Tà Dông bà con gọi là rừng rồi. Trước đây rừng còn nhiều, ở trên núi này còn có cả hổ, gấu và nhiều loài động vật khác.

Dãy núi trên bản Nậm Nghiệp
Dãy Ngũ Hành Sơn trên mạn phía Đông Bắc của bản Nậm Nghiệp 

 

Đỉnh núi gần nhất và cũng là đỉnh thấp nhất chính là đỉnh Tà Dông. Đỉnh này đi chỉ mất hơn 1 tiếng đồng hồ. Từ bản, đi theo lối cafe The Lover rồi cứ đi thẳng qua lán dê A Cháng sẽ tới. Đỉnh này cao 2.650 mét. Trước khi lên đỉnh, có một mảnh đất bằng, gọi là Yên Ngựa. Chỗ này ngắm hoàng hôn buổi chiều thì đẹp nhất.

Từ đỉnh Tà Dông có thể đi tiếp vài trăm mét để lên đỉnh thứ hai là đỉnh Tà Tao. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm thực tế của mình, nếu muốn kéo đỉnh Tà Tao, Háu Nả Tà, Tà Dê Đơ thì nên đi lối khác. 

Đỉnh núi Tà Tao
Đỉnh núi Tà Tao mới được khám phá và đưa vào khai thác du lịch trải nghiệm từ năm 2024

 

Từ bản, vẫn đi lối nhà The Lover, qua cả lối lên lán A Cháng, đi khoảng 1,6km thôi là đến điểm dừng xe máy để leo bộ. Khác đỉnh Tà Dông, đỉnh Tà Tao vẫn còn những cánh rừng già lớn, gồm những loài cây cao vút như: pằng la, phong, chè rừng, dổi rừng, đỗ quyên cổ thụ.v.v...

Đường lên đỉnh Tà Tao có vô số rừng rêu ma mị và những thân cây nằm sóng soài che lối đi. Cách đây 1 năm thôi, anh em trong bản cũng khó mà lên rừng này, vì cây tre mọc rất nhiều, ken đặc lối không thể mở đường.

Bạt ngàn hoa đỗ quyên trên các đỉnh núi thuộc bản Nậm Nghiệp
Bạt ngàn hoa đỗ quyên trên các đỉnh núi thuộc bản Nậm Nghiệp 
Quảng cáo

 

Năm nay, rừng tre đồng loạt tự sát, thành ra anh em trong bản dễ mở lối đi hơn. A Vạng, A Su, A Sử, A Tộng đã mở đường tìm được đỉnh Tà Tao.

Chỉ trong vòng vài tuần, hưởng ứng lời kêu gọi của anh Cường Nguyễn, người hướng dẫn bà con làm du lịch cộng đồng, bà con trong bản đã đi mở lối, tìm được 5 đỉnh núi cao trên dãy Tà Dông. Phát hiện thêm 2 thác rất đẹp để làm nên những siêu phẩm du lịch trong tương lai.

Cường Nguyễn check in tại đỉnh Tà Tao
Anh Cường Nguyễn check in ở cột mốc Tà Tao 

 

Tà Tao trong tiếng Mông nghĩa là bãi gà lôi. Nguyên trước đây, theo lời kể của A Vạng, trưởng bản cũ, ở đây có rất nhiều gà lôi. Các ông cụ trên con đường thiên di phát hiện nhiều đàn gà lôi lớn kiếm ăn ở núi này, nên họ gọi đây là bãi gà lôi.

Bây giờ đi lên đỉnh gà lôi không còn thấy chú gà nào cả, nhưng mình và các anh chị em hoạ sỹ đã cùng bà con tạc một tảng đá lớn, dựng thành cột mốc đá và vẽ lên đó những hoạ tiết miêu tả chú gà lôi để nhắc nhở cho mọi người biết về một quá khứ đẹp đẽ biết nhường nào.

Đỉnh Tà Tao có độ cao lớn thứ hai trong số những đỉnh núi phía Đông Bắc, cao 2.720 mét. Cạnh đỉnh Tà Tao có tảng đá Vợ Chồng rất linh thiêng. Bạn đến đỉnh này thì nên ghé thăm đá Vợ Chồng.

Từ đỉnh Tà Tao đi chừng hơn 1 tiếng nữa, qua những cánh rừng nguyên sinh trên sống lưng của dãy Tà Dông, bạn sẽ gặp một đỉnh núi nữa nằm ở độ cao 2.890 mét. Đó là đỉnh Háu Nả Tà. Trong tiếng Mông, nó có nghĩa là đỉnh núi Mẹ. Những người Mông lớn tuổi cũng không biết tại sao lại gọi là đỉnh núi Mẹ. Chỉ biết rằng, đỉnh núi này trước đây rất hiếm người có thể vào được. Từ đỉnh núi Mẹ, có thể nhìn thấy bốn phương tám hướng. Ở đây không tìm thấy tảng đá nào cả, nên mình bàn với anh em ở bản dùng cây gỗ làm mốc đỉnh núi. 

Từ Háu Nả Tà đi tiếp 2 tiếng nữa thì sẽ tới đỉnh núi tiếp theo, gọi là Tà Dê Đơ. Nghĩa là bãi đá trắng. Đỉnh Tà Dê Đơ có độ cao 2.920 mét. 

Đi tiếp 3 tiếng nữa là đã đến đỉnh Tà Chì Nhù cao 2.979 mét.

Toàn bộ đường đi từ đỉnh Tà Dông sang Tà Tao cho đến tận Tà Chì Nhù là vương quốc của loài hoa đỗ quyên. Dường như chỉ có loài cây này mới có thể sống ở độ cao trên 2.700 mét. Đứng trên đỉnh núi, nhìn xung quanh chỉ thấy trùng điệp những cánh rừng đỗ quyên bát ngát không có điểm dừng.

Rừng đỗ quyên kéo dài tận 4 bản ở xã Ngọc Chiến, gồm bản Nậm Nghiệp, Chăm Pộng, Pú Dảnh, Nà Tâu.

Đây chính là tài nguyên quan trọng nhất của Ngọc Chiến. Nếu phát huy tốt, thì những cánh rừng, những đỉnh núi này sẽ trở thành những siêu phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng số một ở Tây Bắc.

Tổng hợp
Bản Nậm nghiệp - Sơn la

Có thể bạn quan tâm