Vì là địa điểm du lịch mới được khai thác từ năm 2023, cho nên chắc chắn bạn mới chỉ biết đến 2 cái tên: vườn hoa táo Sơn Tra Nậm Nghiệp và đỉnh Tà Chì Nhù.
Trong bài viết này, chuyên gia về Nậm Nghiệp , ông Nguyễn Cao Cường phân tích một vài đặc điểm để bạn hiểu thêm về Nậm Nghiệp.
1. Khu vực tiểu khí hậu độc đáo, dễ chịu tựa Âu Châu.
Nậm Nghiệp nằm trọn vẹn trên triền phía Tây của dãy Hoàng Liên Sơn. Trước mặt là đỉnh Phú Lương cao 2.985 mét thuộc huyện Trạm Tấu, Yên Bái. Núi Phú Lương có đỉnh cao nhất chính là đỉnh Tà Chì Nhù, cao thứ 6 trong 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam.
Ngọn núi này cao sừng sững, như người cha đứng phía trước, chắn toàn bộ gió mùa Đông Bắc mang hơi ẩm từ phía Bắc, Đông Bắc chuyển tới. Khác với Sapa, nằm ở sườn trước của dãy Hoàng Liên Sơn, nên Sapa vẫn bị hứng những đợt không khí ẩm, lạnh từ phía Bắc, Đông Bắc tràn về.
Còn ở Nậm Nghiệp, bạn sẽ cảm nhận thấy không hề có một chút không khí ẩm khó chịu nào cả. Điều này lý giải tại sao đi rừng ở phía Nậm Nghiệp, bạn không bao giờ bị vắt cắn. Vì không khí khô, lạnh chính là thiên địch tự nhiên của các loài sinh vật này.
Vào những tháng mùa mưa từ tháng Năm đến tháng Chín, nền nhiệt độ ở Nậm Nghiệp cũng mát hơn hẳn các khu vực xung quanh. Đặc biệt, những dòng gió nóng từ Lào kéo sang sẽ không thể nào vượt qua được những rặng núi lớn, kéo dài từ Điện Biên, tới Sơn La, qua Mường La để mà kéo tới Nậm Nghiệp được.
Cho nên, nếu thường xuyên sống ở đây, bạn sẽ thấy trung tâm huyện Mường La có thể nóng oi bức rất khó chịu vào mùa hè. Nhưng chỉ cần vượt qua đỉnh Sam Sít để bước vào xã Ngọc Chiến, thì bạn đã thấy một nền nhiệt độ hoàn toàn khác. Mát lạnh. Trong veo. Và khi đi ngược thêm chục cây số nữa lên tới Nậm Nghiệp, thì bạn sẽ tưởng mình đang ở một bầu khí quyển hoàn toàn khác.
Nền khí hậu này hoàn toàn thích hợp để phát triển du lịch nghỉ dưỡng núi.
2. Rừng ở Nậm Nghiệp.
Có thể nói, rừng là đặc sản lớn nhất mà mẹ thiên nhiên ban tặng cho Nậm Nghiệp. Viết tới đây, tôi muốn dành mấy lời cho đồng bào vùng cao Nậm Nghiệp, rằng, nếu bà con không giữ lấy rừng, thì bà con sẽ mất hết, không có cơm ngon mà ăn, không có áo ấm mà mặc đâu.
Bởi vì, rừng chính là cái nôi nuôi dưỡng không khí trong lành ở đây. Rừng chính là nơi sản sinh ra dòng nước mát lành, nguyên sơ ở đây. Mất rừng, sẽ không còn nguồn nước. Mất rừng, sẽ lũ quét, lũ ống. Mất rừng là mất đi bát cơm. Vì vậy, bà con Nậm Nghiệp phải giữ rừng bằng được.
Giữ được rừng, thì Nậm Nghiệp sẽ là số một về loại hình du lịch trải nghiệm sinh thái, nghỉ dưỡng và Thiền Rừng. Không chỉ ở Việt Nam.
Với vị trí địa lý nằm ở độ cao trên 2000 mét so với mực nước biển, lại được các đỉnh núi cao của dãy Hoàng Liên Sơn chắn gió, ôm vào lòng. Nậm Nghiệp còn may mắn hơn nữa, khi cả ba mặt Bắc, Đông, Nam đều có những cánh rừng nguyên sinh bao bọc.
Những mô hình nghỉ dưỡng kết hợp Thiền Rừng sẽ là đặc sản mà không nơi nào có thể cạnh tranh với Nậm Nghiệp. Khí hậu mát lạnh, ôn hoà, độ ẩm thấp, độ đa dạng của rừng cao. Nguồn nước suối dồi dào. Sinh cảnh phong phú. Những điều kiện này chính là nhân tố lý tưởng để phát triển hướng du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng, Thiền Rừng.
3. Hoa táo mèo Sơn Tra Nậm Nghiệp đã trở thành đặc sản du lịch của Việt Nam.
Bây giờ, nhắc đến Nậm Nghiệp là mọi người nhớ đến mùa hoa Sơn Tra tháng Ba hàng năm. Nằm trên độ cao hơn 2000 mét, ở điều kiện thời tiết và độ ẩm lý tưởng. Cây táo mèo ở Nậm Nghiệp phát triển tốt và có những đặc điểm nổi bật về gen.
Táo ở Nậm Nghiệp phải rụng hết lá thì mới ra được hoa. Vì nếu còn lá, cây không đủ sức ra hoa ở thời tiết lạnh khô, trên độ cao hai ngàn mét được. Vì vậy, một khi rừng táo mèo Nậm Nghiệp ra hoa, thì nó tạo nên một thiên tượng hoàng tráng khác thường. Một màu trắng tựa như tóc tiên ông trải dài khắp rừng núi Tây Bắc.
Hết mùa hoa, cây bắt đầu bói trái non. Sau sáu tháng, cây sẽ cho trái táo chín. Quả táo mèo ở Nậm Nghiệp cũng hoàn toàn khác táo ở các vùng lân cận.
Táo ở đây chủ yếu là loại táo trái nhỏ, có màu hồng rực rỡ, người buôn táo hay gọi là táo má hồng. Loại táo này có hương thơm hơn, vị ngọt và ít chát. Với diện tích 1.800 ha táo mèo, đây sẽ là vùng nguyên liệu đầy tiềm năng cho lĩnh vực chế biến theo phương pháp thủ công. Bao gồm chế biến trà hoa táo, táo non ủ giấm, táo non bao tử, nước táo, siro táo, trà táo, rượu táo. Thậm chí trái táo còn có thể ứng dụng trong nghệ thuật ẩm thực với món vịt om táo, salad táo chín, nộm táo non.v.v...
4. Với những đặc điểm về địa lý và khí hậu như vậy, Nậm Nghiệp có thể khai thác du lịch thế nào ?
Một, các bộ môn du lịch trải nghiệm gồm: đi bộ trong rừng; leo núi; săn mây; cắm trại; trò chơi ngoài trời.
Hai, các bộ môn du lịch khám phá, học hỏi gồm: tham quan hệ thực vật rừng; sinh tồn trong rừng; chế biến thực phẩm từ cây quả.
Ba, các bộ môn du lịch nghỉ dưỡng gồm: Thiền Rừng; nghỉ dưỡng cao cấp giữa rừng.
Bốn, khai thác du lịch tìm hiểu văn hoá bản địa, kết hợp nghỉ tại homestay trong bản.
Năm, kinh doanh các dịch vụ phục vụ nhu cầu ăn, ngủ nghỉ của du khách.
Sáu, kết hợp với xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, với huyện Mù Cang Chải, Yên Bái với huyện Trạm Tấu, Yên Bái, với huyện Bắc Yên, Sơn La để tạo thành một vòng cung mới của du lịch Tây Bắc, xuất phát từ Nghĩa Lộ, Yên Bái. Đây sẽ là cung du lịch hot nhất ở Tây Bắc nếu được kết nối giao thông với nhau.