Phê duyệt Quy hoạch Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Phê duyệt Quy hoạch Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 1676/QĐ-TTg ngày 25/12/2023 phê duyệt Quy hoạch Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch Sơn La đến 2030 là tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, công bằng

 

Phạm vi quy hoạch Sơn La bao gồm toàn bộ lãnh thổ tỉnh Sơn La với 12 đơn vị hành chính cấp huyện: Thành phố Sơn La và 11 huyện (Vân Hồ, Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Mường La, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Sông Mã, Sốp Cộp, Phù Yên và Bắc Yên).

Mục tiêu tổng quát là phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Sơn La trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và công bằng. Phấn đấu đưa tỉnh trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của vùng trung du và miền núi phía Bắc, là trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc; trọng điểm du lịch của vùng biên giới Việt Nam – Lào và vùng trung du miền núi phía Bắc; trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng trung du miền núi phía Bắc. Kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng, cả nước, khu vực quốc tế thuộc tiểu vùng Mê Công, các nước láng giềng và ASEAN. Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, góp phần phát triển vùng và đất nước.

Quảng cáo

Phát triển Sơn La tiếp tục trở thành tỉnh phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm: Công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, đô thị và nông thôn. Trong đó, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử; đô thị thông minh và nông thôn mới giàu bản sắc là trọng tâm; công nghiệp hướng xanh và hệ thống đô thị có quy mô lớn là mối quan tâm hàng đầu. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; có mối quan hệ liên kết phát triển mật thiết với các tỉnh lân cận trong vùng và cả nước; bền vững về môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Tầm nhìn đến năm 2050, Sơn La là một cực phát triển quan trọng của vùng Tây Bắc; có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ và hiện đại; nền tảng kinh tế có đủ sức cạnh tranh với các tỉnh khác trong khu vực và cả nước. Hệ thống đô thị phát triển có trọng điểm với định hướng hình thành các đô thị lớn gắn với các đường vành đai xanh đô thị, làm đầu kéo cho phát triển kinh tế - xã hội, cân đối lãnh thổ trên cơ sở khai thác các lợi thế của các vùng núi cao, vùng lòng hồ sông Đà và cao nguyên Mộc Châu vào mục đích phát triển nông nghiệp và du lịch. Nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững và công bằng; tăng trưởng với nhịp độ tăng dần đều; đáp ứng các chỉ tiêu xã hội ngày càng tốt hơn; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực tăng trưởng; có không gian sản xuất và sinh hoạt xã hội hướng xanh, thích nghi với biến đổi khí hậu; có môi trường đầu tư năng động; an ninh chính trị, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Về du lịch, phát triển du lịch theo hướng bền vững và đa dạng hóa sản phẩm, phấn đấu đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp 10%-13% GRDP của tỉnh; đón khoảng 12.200 nghìn lượt khách (trong đó khoảng 365 nghìn lượt khách quốc tế và 11.835 nghìn lượt khách nội địa); trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn của vùng trung du và miền núi phía Bắc, cả nước và quốc tế. Hoàn chỉnh 05 loại sản phẩm du lịch (du lịch sinh thái, nông nghiệp; du lịch văn hoá, lịch sử; du lịch cộng đồng; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và sức khỏe; du lịch chuyên đề với hạ tầng đồng bộ, hiện đại). Tiếp tục kế thừa phát triển 03 trọng điểm về du lịch: Thành phố Sơn La và phụ cận; Khu du lịch quốc gia Mộc Châu gắn với vùng du lịch Mộc Châu và phụ cận; Khu du lịch quốc gia lòng hồ sông Đà. Phát triển các tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh và quốc tế.

Quy hoạch nêu rõ, tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội Sơn La theo mô hình tổ chức không gian phát triển "bốn vùng kinh tế, hai cực tăng trưởng, sáu hành lang phát triển".

Trong đó, bốn vùng kinh tế gồm: (i) vùng đô thị và quốc lộ 6 gồm thành phố Sơn La, huyện Mai Sơn và huyện Thuận Châu, là vùng động lực chủ đạo của tỉnh với thành phố Sơn La là cực trung tâm của tỉnh; (ii) vùng cao nguyên Mộc Châu và phụ cận bao gồm huyện Mộc Châu, Vân Hồ và Yên Châu, là vùng động lực chủ đạo của tỉnh và được xác định là cực đối trọng phát triển với cực trung tâm thành phố Sơn La; (iii) vùng lòng hồ và lưu vực sông Đà bao gồm các huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Bắc Yên, Phù Yên, là vùng động lực thứ cấp của tỉnh; các thị trấn Ít Ong, Quỳnh Nhai, Phù Yên, Bắc Yên và khu du lịch lòng hồ sông Đà được xác định là cực vệ tinh của tỉnh; (iv) vùng cao biên giới bao gồm huyện Sông Mã và Sốp Cộp, là vùng động lực thứ cấp của tỉnh; cực tăng trưởng của vùng là thị trấn Sông Mã, thị trấn Sốp Cộp và cửa khẩu Chiềng Khương là cực vệ tinh của tỉnh…

Tổng hợp
Bản Nậm nghiệp - Sơn la

Có thể bạn quan tâm