Bản Nậm Nghiệp tổ chức Lễ cúng thần núi Tà Tao

Bản Nậm Nghiệp tổ chức Lễ cúng thần núi Tà Tao, mở đầu cho mùa du lịch núi 2024-2025

Người Mông từ bao đời nay luôn coi núi rừng là nơi thiêng liêng, là nơi che chở và nuôi dưỡng cả cộng đồng. Họ tin rằng thần núi, thần rừng là những vị thần bảo vệ cho bản làng, cho mùa màng tươi tốt và bảo đảm cho mỗi chuyến đi rừng an toàn, bình yên. Mỗi năm, người Mông ở Nậm Nghiệp đều tổ chức lễ cúng thần núi, thần rừng với lòng thành kính, tri ân. 

Đồng chí Bí thư huyện ủy Mường La tham gia lễ cúng thần núi với đồng bào Mông ở Nậm Nghiệp
Đồng chí Bí thư huyện ủy Mường La tham gia lễ cúng thần núi với đồng bào Mông ở Nậm Nghiệp 

 

Lễ cúng thần núi, thần rừng được tổ chức tại một vị trí cao, nơi có thể nhìn ra toàn cảnh núi non bao la. Bà con thường chọn đỉnh núi Tà Tao, nơi có tảng đá thiêng gọi là đá vợ đá chồng, là nơi linh thiêng để cử hành nghi lễ. 

Lễ vật được chuẩn bị từ trước, gồm có: xôi, gà, lợn, rượu, hoa quả và các vật phẩm được bà con chế biến từ cây Sơn Tra như: rượu, mật ong, trà. 

Lễ cúng thần núi Tà Tao
Mâm lễ cúng thần núi Tà Tao bao giờ cũng có lợn, gà, xôi, rượu Sơn Trà, trà và mật ong rừng

 

Lễ cúng có 2 lễ chính, một là lễ cúng thần rừng, hai là lễ cúng thần núi Tà Tao. Bắt đầu từ lúc sáng sớm, khi mặt trời chưa còn chưa ló dạng. Thầy cúng và các người có uy tín đã sửa soạn đầy đủ lễ vật, cùng nhau đi vào rừng. Thầy cúng mặc bộ quần áo truyền thống của người Mông, đứng trước bàn lễ vật, bắt đầu gọi tên thần núi, thần rừng với giọng cúng thiêng liêng, trầm ấm.

Quảng cáo
Lễ cúng Tà Tao
Lễ cúng thần núi Tà Tao năm nay được bà con cả bản chuẩn bị chu đáo

 

Nội dung bài cúng thường bắt đầu bằng câu mời, "Hỡi các vị thần núi, thần rừng, những vị thần đang cư ngụ nơi đây, chúng con, những người dân của bản Nậm Nghiệp, kính mời các vị về hưởng lễ vật mà chúng con thành tâm dâng lên. Từ xa xưa, các vị đã bảo vệ chúng con, đã giúp cho mùa màng tươi tốt, giúp cho thú rừng không làm hại đến con người. Nay chúng con kính cẩn tạ ơn.” 

Bài cúng bằng tiếng Mông trong không gian núi rừng ở độ cao 2.720 mét của núi Tà Tao, tạo ra cảm giác linh thiêng.

Sau khi dâng lễ vật, thầy cúng tiếp tục đọc lời cầu nguyện, lời cầu nguyện ấy vang lên giữa núi rừng, hòa vào tiếng gió và tiếng chim ríu rít buổi sáng:

“Chúng con cầu mong các vị thần hãy tiếp tục bảo vệ chúng con, cho chúng con có mùa màng bội thu, cho rừng xanh mãi, cho suối không bao giờ cạn. Chúng con cầu mong cho mỗi chuyến đi rừng được bình an, thú dữ không tới gần, cây cối không ngăn đường. Xin các vị thần hãy bảo vệ chúng con, bảo vệ con cháu chúng con.”

Bà con cùng nhau cúi đầu, cầu nguyện với lòng thành kính, thể hiện sự tôn kính tuyệt đối với thần linh. 

Trong nghi lễ này, không chỉ có lời cầu nguyện mà còn có những câu chuyện về tổ tiên, về hành trình thiên di từ những vùng đất xa xôi đến Nậm Nghiệp. Thầy cúng kể lại câu chuyện về đôi vợ chồng đầu tiên di cư đến vùng đất này, về những khó khăn họ gặp phải và cách họ đã được thần núi, thần rừng che chở. Những câu chuyện này được kể đi kể lại qua bao thế hệ, là bài học về sự kiên cường và biết ơn thiên nhiên.

Sau khi nghi lễ cúng thần kết thúc, bà con cùng nhau chia sẻ lễ vật, ăn uống trên núi Tà Tao. Không khí trở nên náo nhiệt với tiếng cười nói, tiếng hát và những trò chơi dân gian của người Mông. Những nắm xôi được chia đều, những chén rượu được nâng lên để mời nhau, để cảm ơn nhau vì đã cùng trải qua một năm với nhiều khó khăn nhưng cũng đầy ắp niềm vui.

Lễ cúng thần núi, thần rừng không chỉ là nghi lễ tôn giáo mà còn là cách để người Mông duy trì mối quan hệ hài hòa với thiên nhiên. Nó nhắc nhở bà con rằng, tất cả những gì họ có được đều đến từ núi rừng và họ phải biết tôn trọng, bảo vệ môi trường sống của mình. Đây cũng là dịp để gắn kết cộng đồng, để mọi người cùng nhau chia sẻ những khó khăn, niềm vui, và cùng hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Tổng hợp
Bản Nậm nghiệp - Sơn la

Có thể bạn quan tâm