Phải lòng Nậm Nghiệp và trái sơn tra má hồng

Phải lòng Nậm Nghiệp và trái sơn tra má hồng
"Nậm Nghiệp cao chênh vênh, thưa thớt và hoang sơ. Nậm Nghiệp lạnh se sắt, khô khát. Nhưng, chính những điều đó lại làm ửng hồng những trái sơn tra đặc hữu ở đất này", Cường nhấp ly cà phê, ánh mắt xa xăm, nói về bản làng xa xôi ở xã Ngọc Chiến.

1. "Cả tỉnh Sơn La có vài ngàn ha táo mèo hay còn gọi là sơn tra, thì riêng bản Nậm Nghiệp (còn có tên Nậm Nghẹp) sở hữu cỡ hơn ngàn ha. Ở độ cao chót vót hơn 2.000m so với mực nước biển, đây có lẽ là bản làng cao nhất trên dải đất hình chữ S. Ở nơi chỉ có mây, gió và nắng tích đọng, dường như quả sơn tra cũng có khí chất riêng. "Thọ thai" từ tháng 3, sau nửa năm, đến tháng 9, tháng 10 táo mới chín đều. Bà con dân tộc Mông hái táo mang về để góc nhà, dăm hôm là má táo ửng lên màu đỏ hồng. Cây sơn tra chịu được sương gió, thân cây to, dẻo dai nên trụ lại ở đất này lâu lắm rồi, hiện có những rừng táo mèo đã trở thành cổ thụ".

Cứ thế, Nguyễn Cao Cường có thể cả ngày nói chuyện về cây, về hoa, về quả sơn tra ở bản; giọng điệu say sưa, đôi mắt chan chứa bao ánh tươi vui. Gã tự hào về quả táo mèo ở Nậm Nghiệp cứ như thể đấy là quê hương gã vậy. Nghe gã nói, bất giác tôi nhớ đến nhân vật ông Hai trong truyện ngắn "Làng" của nhà văn Kim Lân - một người vô cùng yêu cái làng của mình, yêu đến độ hay "khoe" làng với tất cả niềm tự hào và sự thông thuộc cặn kẽ về nó.

nam_nghiep
Gã tự hào về quả táo mèo ở Nậm Nghiệp cứ như thể đấy là quê hương gã vậy. 

Khi được hỏi về mối duyên với Nậm Nghiệp, gã cười rồi kể: Đó là năm 2021, một lần gã lang thang lên Tây Bắc, dự định chinh phục ngọn núi Tà Chì Nhù cao 2.979m trong biển mây hùng vĩ. Về địa giới hành chính thì đỉnh núi cao thứ sáu ở Việt Nam này thuộc xã Xà Hồ, Trạm Tấu, Yên Bái, nhưng muốn leo cung đường đẹp thì phải đi qua bản Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La. Vậy là trên đường leo Tà Chì Nhù, gã lạc vào rừng sơn tra hoa trắng muốt, rồi "phải lòng" đến mức mê mẩn bản Mông này.

Là người ưa xê dịch, gã đi nhiều, nhưng để chọn được một nơi dừng lại thay vì lướt qua, thì gã lại kén. Trước khi đến bản Lô Lô Chải ở Đồng Văn, Hà Giang, gã đi đi về về không biết bao nhiêu lần để hướng dẫn, hỗ trợ bà con làm du lịch cộng đồng. Giờ thì bà con ở đó tự làm du lịch được rồi, gã muốn thử sức ở một vùng đất khác. Rồi tình cờ gã tìm thấy Nậm Nghiệp hoang sơ, trong trẻo. Nếu tìm một nơi thuận lợi về đường đi, thiên nhiên ưu đãi thì Nậm Nghiệp không phải là đích đến. Bởi nơi đây vừa cao, vừa xa, vừa lạnh, vừa cằn cỗi, đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn. Chọn nơi này, phải là người thực sự yêu và muốn đắm mình với thiên nhiên.

nam_nghiep
Hoạt động thường xuyên nhất là Cường cho bọn trẻ con ở bản tự vẽ tranh, tự hát múa

Gã bảo gã yêu bản Nậm Nghiệp, nhưng yêu suông thì không đành. Đó phải là một tình yêu đầy hiểu biết về khí hậu, thổ nhưỡng, con người, để từ đó khơi dậy tiềm năng du lịch cộng đồng cho Nậm Nghiệp. Rồi gã chọn một tấc đất cắm dùi, dựng một căn lều lấy chỗ dừng chân cho mình, cho bất cứ ai lên bản. Gã không thể lên đất Ngọc Chiến trong tâm thế của một khách du lịch cưỡi ngựa xem hoa. Gã lên nhiều lần, ăn ở với bà con, hiểu bà con, thấu cuộc sống, tập tục của họ thì mới biết rằng bà con có thể làm được gì để tốt hơn lên.

Phát huy cách làm cũ ở Lô Lô Chải, gã gặp gỡ bà con Nậm Nghiệp nói chuyện làm du lịch, về những nét riêng có của bản có thể thu hút khách phương xa. Rồi gã vận động, thuyết phục bạn bè đóng góp tiền làm đường trong bản, sửa cầu treo qua suối. Gã hướng dẫn tỉ mỉ từng nhà, người làm việc này, người làm việc kia để đón tiếp khách ghé thăm. Nghe thì đơn giản thế, nhưng để bà con làm quen là điều không dễ dàng. Không thể sốt ruột được, phải chầm chậm, khi bà con đã hiểu thì sẽ làm theo.

Ngoài việc làm đường, làm cột điện, xã Ngọc Chiến có chủ trương dựng 15 cụm cột đá biểu tượng đặt ở đầu mỗi bản, tạo nên điểm nhấn cho diện mạo du lịch của địa phương. Nhưng bà con dân bản không phải ai cũng biết vẽ, nên gã lại xắn tay vào. Tháng 5 vừa rồi, một nhóm họa sĩ được gã vận động lên bản tham gia dự án cộng đồng vẽ cột đá. Giờ thì bản nào cũng có cột đá bắt mắt được đặt ở vị trí đặc biệt, hấp thu linh khí trời đất, trở thành địa điểm check in của du khách.

Quảng cáo
nam_nghiep
Gã làm những việc đôi khi rất điên, chẳng hạn mang cả đội bóng lên bản đá giao lưu với thanh niên

Gã khuyến khích đội biểu diễn khèn Mông của bà con Nậm Nghiệp luyện tập đều đặn, lớp trước truyền dạy lớp sau. Vừa là để bảo tồn giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc, vừa là điểm nhấn du lịch với du khách khi ghé bản. Mùa táo chín, gã cất công mang táo xuống Hà Nội bán giúp bà con. Của một đồng công mấy nén, bán chả được bao nhiêu, nhưng quý nhất là quả táo mèo và bản làng trên núi cao kia được người dân thủ đô biết đến. Người ta sẽ nhớ đến vụ hoa tháng 3, vụ quả tháng 9 mà sắp xếp lên với bà con khi có dịp.

Hai năm nay, trang Facebook của gã tràn ngập hình ảnh rừng sơn tra Nậm Nghiệp. Nhờ thế mà khách du lịch từ Nam chí Bắc háo hức được trải nghiệm tiểu vùng khí hậu đặc biệt nơi đây, khi lạnh nhất sẽ xuống 4oC, nóng nực nhất cũng chỉ 27ºC. Họ đổ về bản ngắm hoa, hái quả, leo núi, đi bộ, hành thiền. Người ta nhớ vị chua nhẹ lẫn ngọt thanh, không đắng chát của quả sơn tra má hồng, có thể ăn trực tiếp, hoặc phơi khô làm thuốc, ngâm rượu, làm dấm…

2. Kháng A Lệnh năm nay 34 tuổi, là người con của bản Nậm Nghiệp. Lệnh nhanh nhẹn, nắm bắt cái mới rất nhanh. Lệnh bảo xã Ngọc Chiến có 15 bản, trong đó có 7 bản người Mông, 7 bản người Thái và 1 bản người La Ha. Bao đời nay người dân chỉ biết trồng trọt, chăn nuôi. Ruộng bậc thang của bà con cheo leo ở sườn đồi. Giống lúa trụ được ở đất này cũng đặc biệt, nấu cơm lên hạt to như… hạt đậu. Người dưới xuôi ăn cơm hạt to này sẽ thấy thật lạ lẫm… 

khang_a_lenh
Lệnh bảo nhờ có anh Cường lên chỉ dẫn mà Lệnh hiểu thế nào là làm du lịch cộng đồng.

Lệnh bảo nhờ có anh Cường lên chỉ dẫn mà Lệnh hiểu thế nào là làm du lịch cộng đồng. Giờ thì Lệnh đang là tổ trưởng tổ xe đưa đón, dẫn du khách tới thăm bản và leo núi Tà Chì Nhù. Tổ xe có đến 30 người, toàn trai tráng ở bản, khỏe đôi chân và cứng tay lái để vượt con đường gập ghềnh, cheo leo vào Nậm Nghiệp. Nhà Lệnh đã có homestay đón khách và hiện đang xây dựng thêm. Một số bà con cũng đang áp dụng mô hình này. Chợ huyện cách bản những 40 cây số nên việc chăn nuôi gà, lợn, trồng rau để phục vụ khách du lịch ăn, nghỉ tại bản là một hướng đi hợp lý. Cả thôn mỗi nhà một việc để cùng tạo nên làng du lịch. 

"Anh Cường bảo muốn bản mình được nhiều người biết tới thì bản phải sạch đẹp, giữ gìn cảnh quan môi trường. Thế nên mình vừa lập một tổ vệ sinh dọn dẹp đường đi lối lại trong bản, trồng cây trồng hoa. Ai cũng vui vì bản mình ngày càng đẹp", Lệnh khoe vậy.

3. Cường tối mặt tối mũi với công việc ở Hà Nội, nhưng hễ bớt việc là gã lại tất bật lên với bà con. Hơn hai năm nay, chả đếm được bao nhiêu lần gã bắt ôtô khách lên Sơn La. Đến ngã ba Kim thì xuống xe, vượt quãng đường 25 cây số nữa vào trung tâm xã Ngọc Chiến. Tiếp tục đi xe máy 12 cây số đường đất, vượt qua những góc cua và sườn dốc thót tim thì vào đến bản. Lần nào lên gã cũng mang theo nhiều thứ hay ho cho bà con: những ý tưởng, cách làm mới; những người bạn mới, rồi quần áo, sách vở cho bọn trẻ… Gã cứ thấy gì tốt cho bà con thì làm, từng chút một.

Cộng đồng với nhau mấy năm, thấy bà con giỏi xoay xở, linh hoạt, nắm bắt cơ hội rất nhanh. Điều đó khiến gã vững tâm là dần dần họ sẽ tự làm được. Ngày trước, người ở bản có biết ly cà phê là gì, nhìn thấy khách đến còn ngại, nói gì đến việc đón tiếp. Vậy mà bây giờ, các em gái Mông đã thoăn thoắt phục vụ, pha chế đồ uống, hỏi han khách một cách tự tin, niềm nở. Giờ thì không chỉ người dân mà lãnh đạo địa phương cũng tin tưởng gã, coi gã là người thân, lúc nào cũng nhắc và trông ngóng gã lên.

Gã mong mỏi cây sơn tra ở Sơn La, trong có "điểm lõi" Ngọc Chiến, Nậm Nghiệp sẽ trở thành chỉ dẫn địa lý cho vùng đất này. Quả sơn tra thu hái về phải có đầu ra bền vững nhờ việc chế biến các sản phẩm đa dạng, tạo sinh kế bền vững cho bà con. Ngày hội hoa Sơn Tra của huyện Mường La đã được cấp chứng nhận bản quyền tác giả. Gã mong mỏi đến ngày rừng hoa sơn tra và lễ hội ngắm hoa sơn tra sẽ trở thành di sản thiên nhiên.

Có thể nhiều người lướt qua Ngọc Chiến, thấy vùng đất hoang sơ này chả có gì cuốn hút, nhưng Nguyễn Cao Cường đã sớm nhìn ra những tiềm năng. Ngọc Chiến có rừng thảo quả, có suối khoáng nóng ở trung tâm xã, sẽ là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách sau chuyến leo núi Tà Chì Nhù. Bản Nậm Nghiệp có rừng táo đặc hữu ít nơi có, khí hậu mát mẻ quanh năm, dân bản cần cù chịu khó. Bởi thế, gã đã cùng bà con làm nên sự thay đổi để Nậm Nghiệp trở thành một cái tên không hề xa lạ với du khách ưa khám phá Tây Bắc. 

Báo Công an Nhân dân Copy
Bản Nậm nghiệp - Sơn la

Có thể bạn quan tâm